Lý tưởng thẩm mỹ trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay = Aesthetic ideals in creative art activities in Vietnam today
Xét
về hình thức, lý tưởng được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau; nhưng đều
là tổng thể các phương hướng cơ bản của đời sống xã hội. Đó là lý tưởng chính
trị – xã hội; lý tưởng pháp quyền, đạo đức, khoa học, tôn giáo và thẩm mỹ.
Khác
với khoa học, trong quan hệ thẩm mỹ ngoài những tri thức có tính khách quan phù
hợp với chân lý, nó còn bao hàm cả thái độ chủ quan của con người đối với khách
thể.
Nếu
cảm xúc thẩm mỹ nảy sinh từ sự cảm thụ cái đẹp trong thực tế, thì lý tưởng thẩm
mỹ lại hướng tới cái đẹp trong ươc mơ và khát vọng sống của con người, nó xây dựng
hình ảnh mẫu mực cảm quan về những giá trị thẩm mỹ mà con người cho rằng cần phải
có và sẽ có.
Trong
lý tưởng thẩm mỹ bao hàm cả sự nhận thức về cái hoàn thiện, cái đang mong muốn,
cần phải có và cả tình cảm của chủ thể đối với chúng. Trong quan hệ thẩm mỹ, lý
tưởng thẩm mỹ thể hiện trong hình thức cụ thể – cảm tính, toàn vẹn của một sự vật
một hiện tượng, một con người nhất định hoặc một tác phẩm nghệ thuật. Ví dụ qua
hình tượng Thạch Sanh, Thánh Gióng, Cô Tấm. Những hình tượng đó nói lên tình cảm
yêu thương, qúy trọng của nhân dân ta đối với mẫu người lý tưởng và cũng gợi ra
ở người cảm thụ lòng say mê, mến phục.
Lý
tưởng thẩm mỹ biểu hiện tập trung cao nhất của nhu cầu thẩm mỹ, tình cảm thẩm mỹ,
thị hiếu thẩm mỹ; hay nói một cách khác lý tưởng thẩm mỹ là giai đoạn cao nhất
của nhận thức, đánh giá và sáng tạo thẩm mỹ. Mọi xúc cảm, biểu tượng, phán
đoán, đánh giá, cảm thụ và sáng tạo thẩm mỹ đều do lý tưởng thẩm mỹ chi phối và
tập trung ở lý tưởng thẩm mỹ.
Có
thể nói hoạt động nói chung và hoạt động thẩm mỹ nói riêng của con người bao giờ
cũng mang xu hướng hiện thực hoá lý tưởng thẩm mỹ. C. Mác đã chỉ rõ rằng trước
khi con người hành động bao giờ con người cũng hình dung trong trí tưởng tượng
của mình hình ảnh của cái mà con người mong muốn đạt tới. Điều đó đã khẳng định
rằng trong hoạt động của con người không chỉ cải biến dạng vật chất tự nhiên
bên ngoài bằng hoạt động vật chất, mà con người còn thực hiện những mục tiêu đã
định sẵn trong ý thức, trong trí tưởng tượng của họ. Và cũng như vậy, trong hoạt
động thẩm mỹ, các hình mẫu về cái hoàn thiện, hoàn mỹ của lý tưởng thẩm mỹ sẽ định
hướng, điều chỉnh và thúc đẩy toàn bộ quá trình đó.
Lý
tưởng thẩm mỹ nói lên đặc trưng về sự hoàn thiện của các sự vật, hiện tượng của
hiện thực, về lối sống của con người. Trong lý tưởng thẩm mỹ, có chứa đựng cả sự
khái quát về những thuộc tính thẩm mỹ đã tồn tại của hiện thực tự nhiên và xã hội,
kể cả việc đề ra mục tiêu mà hoạt động thẩm mỹ của của xã hội phải vươn tới.
Lý
tưởng thẩm mỹ là tổng thể phương hướng cơ bản của đời sống được kết lại thành
hình ảnh mẫu mực cảm quan về sự hoàn thiện, hoàn mỹ của con người và của xã hội,
nói lên những xu hướng và qui luật của sự tiến bộ lịch sử.
Lý
tưởng thẩm mỹ là sản phẩm cao nhất của ý thức thẩm mỹ. Mọi hoạt động thẩm mỹ đều
nhằm thực hiện nó. Nghệ thuật đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thể
hiện lý tưởng thẩm mỹ, bởi vì nghệ thuật tạo ra những hình mẫu hình tượng nghệ
thuật về hiện thực hoàn thiện; đồng thời lý tưởng thẩm mỹ cũng nổi lên như là
tiêu chuẩn về cái đẹp của những giai đoạn khách nhau của sự nghiệp sáng tạo thẩm
mỹ của con người.
Mời
các bạn đọc luận văn “Lý tưởng thẩm mỹ trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật ở Việt
Nam hiện nay” của tác giả Phạm Thị Khánh Ly tại đường link: http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/16205
Nhận xét
Đăng nhận xét